Khí hậu Bắc Âu với đặc điểm mùa đông lạnh ẩm và mùa hè tương đối ấm áp ảnh hưởng sâu sắc đến thị trường giày dép tại đây. Do vậy, mỗi loại giày dẹp khác nhau được dùng cho các mùa khác nhau. Dép cho những tháng mùa hè và những đôi ủng ấm áp cho mùa đông là cần thiết bên cạnh những đôi ủng, giày cao su cho mùa xuân thu.
Mặc dù Bắc Âu được đánh giá là thị trường nhỏ cả về dân số và quy mô so với các khu vực Châu Âu khác như thị trường giày dép tại Bắc Âu lại khá rộng. Bởi đặc điểm khí hậu đặc thù tại đây nên mỗi người dân thường phải có cả giày bốt mùa đông, giày thể thao mùa hè, dép xăng đan và giày da. Thời tiết tương đối ẩm ướt tại Bắc Âu dễ làm khô và mòn giày dép, dẫn đến người tiêu dùng Bắc Âu thường xuyên thay đổi giày dép và nhu cầu về giày dép cũng cao hơn.
Do chi phí nhân công cao tại các nước Bắc Âu và đặc điểm của ngành hàng, nên các quốc gia Bắc Âu thường lựa chọn nhà thầu phụ hoặc đặt nhà máy sản xuất giày dép tại các nước đang phát triển để sản xuất và nhập khẩu trở lại để tiêu dùng. Do vậy, số liệu nhập khẩu giày dép từ các nước Bắc Âu khá cao và ổn định qua các năm.
Báo cáo nghiên cứu này đề cập đến ngành công nghiệp giày dép của Thụy Điển, Đan Mạch và Na Uy và sẽ cung cấp thông tin tổng quan về thị trường thương mại giày dép của các nước trên.
Báo cáo tập trung xem xét kỹ hơn vào các đặc điểm của thị trường như quy mô thị trường, sản xuất trong nước, xuất khẩu và nhập khẩu giày dép. Bên cạnh đó, báo cáo cũng xem xét về khía cạnh người tiêu dùng Bắc Âu, các kênh phân phối, những doanh nghiệp lớn trong ngành giày dép tại Bắc Âu cùng với các quy định và yêu cầu thị trường. Đồng thời, báo cáo cũng xem xét về thương mại giữa các nước trên với Việt Nam trong lĩnh vực giày dép. Cuối cùng, báo cáo sẽ cung cấp các thông tin về một số doanh nghiệp tại đây kinh doanh, nhập khẩu và phân phối giày dép và các khuyến nghị đối với doanh nghiệp khi kinh doanh xuất nhập khẩu vào thị trường Bắc Âu.
PHẦN I. TỔNG QUAN VỀ NGÀNH HÀNG GIÀY DÉP TẠI
THỊ TRƯỜNG BẮC ÂU
Ngành công nghiệp giày dép ở các nước Bắc Âu khá nhỏ, hầu hết bị chi phối bởi nhập khẩu. Với thời tiết khắc nghiệt tại các quốc gia này, giày dép trở thành một loại hàng hóa không thể thiếu với nhu cầu khá cao.
Mỗi loại giày dép có các chức năng và đặc tính cụ thể khác nhau. Về cơ bản, giày dép ở Bắc Âu có thể chia ra làm 04 loại:
- Giày dép chuyên dụng
Giày dép chuyên dụng là loại giày đặc biệt chỉ được sử dụng trong những dịp đặc biệt, thường liên quan đến một nhóm người dùng cụ thể. Nhu cầu trong phân khúc này khá hạn chế nhưng ổn định.
Ví dụ: giày dép truyền thống, như guốc và giày cao bồi chính hiệu (không phải là giày cao bồi sản xuất hàng loạt đã phổ biến rộng rãi trong một thời gian dài ở châu Âu); giày dép liên quan đến sức khỏe (giày dép chỉnh hình hoặc giày cho bệnh nhân tiểu đường); giày dép tùy chỉnh; hoặc giày dép lao động.
- Giày dép thân thiện với môi trường
Giày dép thân thiện với môi trường được đặc trưng chủ yếu bởi việc sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường, phương pháp sản xuất, kỹ thuật nhuộm và đóng gói. Mục đích của người sản xuất là giảm thiểu tác động đến môi trường trong quá trình sản xuất. Nhu cầu trong phân khúc này có hạn, nhưng đang tăng lên.
- Giày dép bằng da
Giày dép bằng da có thể bao gồm: Giày da hoàn toàn với đế ngoài bằng da; giày da hoàn toàn hoặc giày bán da có đế ngoài tổng hợp, ví dụ: cao su, cao su dẻo nhiệt (TPR) hoặc phylon; giày tổng hợp có lớp phủ da và đế ngoài tổng hợp.
- Giày thể thao
Các sản phẩm giày thể thao bao gồm: Giày chạy bộ, giày bóng rổ, giày tennis, giày thể thao trong nhà, và giày thể thao ngoài trời.
Trong báo cáo này sẽ tập trung đi vào phân tích các sản phẩm giày dép thuộc toàn bộ Chương 64 - Giày, dép và các sản phẩm tương tự, các bộ phận của chúng.
I. Quy mô thị trường
1. Thụy Điển
Giống như tất cả các hoạt động khác, sản xuất giày tại Thụy Điển đã trải qua một cuộc chuyển đổi sâu rộng trong hàng trăm năm qua và đã phát triển từ thủ công sang công nghiệp. Nghề đóng giày trước đây đóng vai trò chính tại Thụy Điển nay đã gần như biến mất. Giày vẫn được sản xuất trong nước, nhưng quy mô nhỏ hơn và theo hướng ngày càng hiện đại. Giày dép của Thụy Điển chủ yếu được nhập khẩu.
Người Thụy Điển mua một lượng lớn giày nhập khẩu mỗi năm, lên tới 55.000 tấn giày mỗi năm hoặc hơn. Ước tính khoảng 6kg/mỗi người. Trong năm 2018, Thụy Điển đứng thứ 7 trên thế giới về mức độ tiêu thụ giày dép trên đầu người với trung bình khoảng 4 đôi/người/năm. Đây là mức tiêu thụ khá lớn, phản ánh nhu cầu cao đối với giày dép của người Thụy Điển.
Hình 1. Bảng xếp hạng các quốc gia tiêu thụ giày dép trên đầu người năm 2018
Đơn vị: Đôi giày dép/người
Nguồn: Statistic.com
Trong năm 2020, ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh Covid-19 đã làm cho tình hình kinh doanh của ngành giày dép Bắc Âu nói chung và Thụy Điển nói riêng bị ảnh hưởng khá nhiều. Do bị ảnh hưởng với các hạn chế đi lại, các hoạt động ngoài trời, tụ tập đông người, các sự kiện, lễ hội … khiến cho nhu cầu đối với quần áo, giày dép giảm mạnh. Lượng khách hàng mua sắm giày dép tại các cửa hàng và mua qua hình thức trực tuyến cũng giảm đáng kể trong năm này.
Lượng nhập khẩu giày dép của Thụy Điển thường tăng đều và ổn định qua các năm. Tốc độ tăng trưởng nhập khẩu giày dép trong 5 năm liên tiếp (2016 - 2020) đạt 8% - một mức tăng trưởng khá cao. Tuy nhiên, riêng trong năm 2020, do ảnh hưởng của dịch bệnh khiến cho lượng nhập khẩu giày dép của Thụy Điển giảm nhẹ 2,78% so với năm 2019 (đạt khoảng 1,2 tỷ USD).
Năm 2020, Đức là nhà cung cấp chính cho Thụy Điển (282 triệu USD), tiếp theo là Trung Quốc (146 triệu USD), Ba Lan (114 triệu USD), Đan Mạch (107 triệu USD), và Bỉ (102 triệu USD). Việt Nam là quốc gia đứng thứ 7 trong danh sách các nhà cung cấp giày dép cho Thụy Điển với 85 triệu USD năm 2020.
Thụy Điển chủ yếu nhập khẩu các loại giày, dép có đế ngoài và mũ bằng cao su, da thuộc, vật liệu dệt hoặc plastic, da thuộc hoặc da tổng hợp. Lượng nhập khẩu của các loại này chiếm 94,26% tổng lượng nhập khẩu giày dép năm 2020 của Thụy Điển.
Hình 2. Chi tiêu của người tiêu dùng cho giày dép của Thụy Điển
2008 - 2019
Đơn vị: triệu SEK
Nguồn: Statistic.com
Mặc dù có sự dao động, nhìn chung chi tiêu cho giày dép của Thụy Điển khá cao và tăng từ 12,4 tỷ SEK (tương đương 1,42 tỷ USD) năm 2008 lên 14,6 tỷ SEK (tương đương 1,67 tỷ USD) năm 2019.
2. Đan Mạch
So với lượng nhập khẩu giày dép của Thụy Điển, Đan Mạch nhập khẩu ít hơn, bằng khoảng 80% của Thụy Điển. Năm 2020, Đan Mạch nhập khẩu khoảng 863 triệu USD giày dép.
Lượng nhập khẩu giày dép của Đan Mạch nhìn chung ổn định trong vài năm trước và từ năm 2019 bắt đầu có dấu hiệu suy giảm. Cụ thể năm 2019, lượng nhập khẩu giày dép giảm 3,16% so với năm 2018. Năm 2020, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, lượng nhập khẩu giày dép của Đan Mạch đã giảm mạnh, giảm 12,13% so với 2019. Tốc độ tăng trưởng nhập khẩu giày dép trong 5 năm gầy đây (2016 - 2020) của Đan Mạch chỉ khoảng 1%.
Cũng giống như Thụy Điển, Đan Mạch chủ yếu nhập khẩu các loại giày, dép có đế ngoài và mũ bằng cao su, da thuộc, vật liệu dệt hoặc plastic, da thuộc hoặc da tổng hợp. Lượng nhập khẩu của các loại này chiếm 94% tổng lượng nhập khẩu giày dép năm 2020 của Đan Mạch.
Năm 2020, Đức cũng là quốc gia xuất khẩu giày dép lớn nhất vào Đan Mạch (166 triệu USD), tiếp theo là Ba Lan (103 triệu USD), kế tiếp là Trung Quốc (98 triệu USD), và Bồ Đào Nha (97 triệu USD). Trong số các quốc gia Đông Nam Á xuất khẩu giày dép vào Đan Mạch, Việt Nam đứng sau Trung Quốc, Indonesia và Thái Lan, chỉ đạt 19,8 triệu USD (đứng thứ 14 trong tổng số các nước xuất khẩu vào Đan Mạch).
Người tiêu dùng Đan Mạch được cho là khó tính nhất ở Châu Âu. Nhờ sức mua cao và chất lượng cuộc sống tốt nên người tiêu dùng nói chung bị thu hút bởi các sản phẩm chất lượng, sáng tạo và thân thiện với môi trường. Theo thống kê, chi tiêu của người tiêu dùng Đan Mạch cho các sản phẩm quần áo và giày dép không nhiều chỉ khoảng 4,1% trong tổng số chi tiêu của họ, nhưng lại có xu hướng tăng lên.
Biểu đồ bên dưới cho thấy chi tiêu dành cho giày dép của Đan Mạch trong 10 năm liên tiếp từ 2009 - 2019 đã tăng 29%, từ 6,86 tỷ DKK (tương đương 1,1 tỷ USD) năm 2009 lên 8,89 tỷ DKK (tương đương 1,44 tỷ USD) trong năm 2019.
3. Na Uy
Na Uy là quốc gia nhập khẩu giày dép ít nhất trong số ba quốc gia Thụy Điển, Đan Mạch và Na Uy. Năm 2020, lượng nhập khẩu giày dép của Na Uy chỉ bằng 49% so với tổng lượng nhập khẩu của Thụy Điển và bằng 69% so với tổng lượng nhập khẩu của Đan Mạch.
Trong vài năm trước đây, lượng nhập khẩu giày dép của Na Uy tăng nhẹ qua các năm. Tuy nhiên, từ năm 2019, lượng nhập khẩu này bắt đầu giảm dần, giảm 3,28% so với 2018 và lượng nhập khẩu năm 2020 giảm 13,44% so với 2019, chỉ còn 597 triệu USD. Mức tăng trưởng nhập khẩu giày dép trong 5 năm liên tiếp (2016 - 2020) của Na Uy là 3%.
Cũng giống như Thụy Điển và Đan Mạch, Na Uy chủ yếu nhập khẩu các loại giày, dép có đế ngoài và mũ bằng cao su, da thuộc, vật liệu dệt hoặc plastic, da thuộc hoặc da tổng hợp. Lượng nhập khẩu của các loại này chiếm 93% tổng lượng nhập khẩu giày dép năm 2020 của Na Uy.
Trong năm 2020, Trung Quốc là quốc gia xuất khẩu giày dép nhiều nhất vào Na Uy với 178 triệu USD, tiếp đó là Việt Nam đứng thứ hai với 137 triệu USD, tiếp theo đó là Ý với 44 triệu USD. Lượng nhập khẩu giày dép từ 03 quốc gia này đã chiếm 60,3% tổng lượng nhập khẩu của Na Uy.
II. Phân khúc người tiêu dùng
Khí hậu Bắc Âu với đặc điểm mùa đông lạnh ẩm và mùa hè tương đối ấm áp ảnh hưởng sâu sắc đến thị trường giày dép tại đây. Các loại giày khác nhau cần thiết cho các mùa khác nhau. Dép cho những tháng mùa hè và những đôi ủng ấm áp cho mùa đông là cần thiết bên cạnh những đôi ủng, giày cao su cho mùa xuân thu. Thị trường có thể được chia thành các phân khúc sau: Giày nam, nữ, thể thao, và trẻ em.
Hầu hết nam giới và phụ nữ đều có lựa chọn giày phù hợp với các mùa khác nhau cũng như cho các dịp khác nhau như làm việc, giải trí, thể thao... Tuy nhiên, một bộ phận người tiêu dùng, chủ yếu là giới trẻ, có xu hướng thích đi giày thể thao quanh năm.
Nói chung, người tiêu dùng Bắc Âu quan tâm đến chất lượng khi nói đến giày dép. Mặc dù giá cả là một khía cạnh quan trọng nhưng giày dép giá rẻ nếu chất lượng thấp sẽ khó bán.
Hầu hết các bậc cha mẹ đều rất coi trọng việc lựa chọn giày dép trẻ em. Thiết kế phải vừa chân và chất lượng cao và hầu hết các bậc phụ huynh sẵn sàng trả giá rất cao để đảm bảo điều này. Trẻ em sẽ thường nhận được một bộ giày dép đầy đủ mỗi năm để phù hợp với đôi chân đang phát triển của chúng.
Có một bộ phận người tiêu dùng rất quan tâm đến thời trang và thương hiệu và sẵn sàng chi trả giá cao cho thiết kế tốt nhất và thời trang nhất. Tuy nhiên, phân khúc này tương đối nhỏ. Hầu hết giày dép được bán đều có chất lượng và giá cả từ trung bình trở lên.
Việc bảo dưỡng, sửa chữa giày dép rất tốn kém do chi phí nhân công cao. Vì thế mọi người thường sẽ vứt bỏ những đôi giày chất lượng/giá trung bình để mua giày mới.
Người Bắc Âu có bàn chân khá to và rộng. Thông thường, các thiết kế hướng đến người tiêu dùng ở những nơi khác trên thế giới sẽ phải được sửa đổi, không chỉ về hình thức mà còn liên quan đến kích thước, để phù hợp với thị trường.
Giày dép tại Bắc Âu chủ yếu được phân phối thông qua các nhà bán lẻ, các nhà nhập khẩu và đại lý.
(Còn tiếp)
[Dẫn nguồn từ Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển (vietnordic)]